Pokemon Go, trò chơi gợi lại ký ức trẻ con và khiến cả thế giới đổ ra đường

Thảo luận trong 'Thông tin công nghệ - Game' bắt đầu bởi mrtuxuong, 13/7/16.

  1. mrtuxuong Administrator

    Đây không phải là lần đầu tiên một ứng dụng tăng cường thực tế ảo (AR) xuất hiện. Khi mà Pokemon Go còn chưa xuất hiện thì có rất nhiều app AR đã ra đời nhưng chỉ một vài ứng dụng là có khả năng để lại ấn tượng. Ngay cả Ingress, trò chơi nền tảng ra mắt trước Pokemon Go nhiều năm, cũng không tạo được một cơn sốt đến bất ngờ như thế này. Vì sao Nintendo, The Pokemon Company và Niantic (công ty tạo ra Ingress) đã có thể gây dựng được một tựa game tuy không mới nhưng lại có sức hút kinh khủng như vậy?

    Khơi dậy tuổi thơ trong lòng những đứa trẻ đã lớn

    Trước khi nói về công nghệ hay tính năng, chúng ta phải thừa nhận rằng Pokemon là một trong những tựa game và thương hiệu hình ảnh được làm đi làm lại rất nhiều lần và thuộc vào hàng phổ biến nhất thế giới. Dành cho anh em nào chưa biết: đây là tựa game mà bạn sẽ nuôi một số con thú thần kì thuộc các hệ khác nhau (lửa, nước, lá, ma, tâm linh...). Trong quá trình chơi, các con thú sẽ lên cấp và tới mức nào đó sẽ tiến hóa thành cấp cao hơn. Pokemon còn có thể được đem đấu với nhau, giữa người này với người khác, hay giữa người với máy. Pokemon được giữ trong những quả bóng gọi là "Poke Ball", cũng là công cụ để thu phục một con thú mới.

    Nhạc phim Pokemon - anh em nghe lại thấy sao nào?
    Kể từ khi ra mắt năm 1996 dưới dạng một băng game cho chiếc máy Gameboy, Pokemon đã xuất hiện khắp mọi nơi: phim ngắn, phim rạp, ly tách, chén dĩa, thú nhồi bông, và tất nhiên là cả game trên nhiều nền tảng khác nhau nữa. Pokemon là thứ gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người sinh ra vào những năm 80 và 90 trên toàn thế giới. Và mặc dù xuất phát từ Nhật nhưng với sự thúc đẩy của Nintendo, của hệ máy chơi game Gameboy mà Pokemon đã vươn ra toàn thế giới. Mình vẫn còn nhớ những ngày còn nhỏ học tiểu học, giờ về thì chạy ra ngay chỗ bán Pokemon bằng nhựa để mân mê, lâu lâu xin về chơi. Trò sưu tầm Pokemon cũng là thứ gây ấn tượng mạnh với rất nhiều đứa trẻ.

    Và giờ những đứa trẻ đó đã lớn lên. Chúng đã lớn tới độ tuổi có thể dùng smartphone, có thể tự mình cài thêm một trò chơi vào điện thoại, và có thể tự mình chi trả chi phí cho những vật phẩm cần thiết. Nintendo đã canh thời gian rất chính xác để tung ra sản phẩm này vì họ biết rằng khách hàng chính của mình không ở đâu xa, chính là những đứa bé đã từng một thời mê mẩn Pokemon. Bằng cách khơi dậy tuổi thơ của một lượng rất lớn khách hàng trong quá khứ, Pokemon Go đã ngay lập tức có một lượng fan khổng lồ sẵn sàng chơi ngay từ ngày đầu mà chẳng cần quảng bá gì nhiều. Có thể xem là một trong những đỉnh cao của việc tiếp thị tới khách hàng.

    Cũng chính vì lượng khách hàng "em bé" đông như vậy nên Pokemon Go gần như không tốn công quảng cáo gì cả. Nhà phát triển đã tính để chính khách hàng tự đi chia sẻ với bạn bè của mình, vừa tiết kiệm chi phí vừa có hiệu quả lan truyền cực mạnh. Và mọi chuyện dường như đã diễn ra đúng như ý đồ của họ, trừ việc quá nhiều người dùng truy cập vào khiến server có vấn đề.

    Dễ chơi, vui vẻ, dễ thương

    Nhưng nếu chỉ có nhiêu đó không thì Pokemon Go không khác gì so với những phiên bản Pokemon khác dành cho Nintendo DS / 3DS. Ở đây, Nintendo, The Pokemon Company và Niantic đã khôn khéo lồng trò chơi của họ vào thế giới thực. Bản đồ thật, tọa độ của bạn là thật, các trạm dừng PokeStop hay phòng gym chiến đấu đều được dựa trên các địa điểm có trên bản đồ Google Maps. Đây là một cách cực kì thông minh để làm mới lại nội dung cũng như cách chơi trong khi vẫn giữ được sự quen thuộc của một trò chơi Pokemon với nhiệm vụ chính là bắt thú, huấn luyện và đem đi đấu với người khác.

    Và do sử dụng GPS làm phương thức định vị nên Pokemon Go yêu cầu người dùng phải thật sự bước chân ra đường để đi tới chỗ này chỗ kia, thu phục những con Pokemon mới và gặp gỡ những người mới. Một cách rất thú vị để kích thích người ta bởi trước đây không nhiều game sử dụng cách chơi tương tự như thế này. Con người lại rất thích những thứ lạ, thế nên họ sẵn sàng trải nghiệm vì đằng nào game cũng free mà, đâu tốn đồng xu nào đâu.

    3797278_pokemon_go_Tinhte_1.jpg

    Pokemon Go cũng được thiết kế để rất dễ chơi. Ngay từ lần đầu sử dụng, bạn sẽ được hướng dẫn rất kĩ về cách dùng app. Thực chất thì không cần hướng dẫn cũng được do phần mềm được thiết kế vô cùng thân thiện. Trong khi đó, Niantic Ingress, nền tảng của Pokemon Go, lại quá rối để có thể sử dụng. Bản thân mình đã từng thử chơi Ingress nhưng rồi cũng từ bỏ vì cách dùng rối, cốt truyện cũng không hay.

    Có lẽ động tác ném bóng là thứ làm cho game thủ thích nhất khi chơi Pokemon Go. Bạn sẽ thấy một con Pokemon xuất hiện trong màn hình lồng vào khung cảnh thật bên ngoài (đây chính là yếu tố AR). Việc bạn cần làm là ném trái bóng trúng vào con thú để thu phục nó. Động tác ném bóng sẽ là vuốt ngón tay trên màn hình, hơi giống với cách ném ngoài đời nên tạo một cảm giác khá lạ cũng như hấp dẫn cho người chơi. Và lại một lần nữa, nhà phát triển Pokemon quả thật hiểu rõ về tâm lý khách hàng khi mang tới cái "sướng" lúc bắt thành công một chú Pokemon nào đó. Cảm giác sướng này là một yếu tố quan trọng giữ chân khách hàng lại với game và không bỏ đi sau một thời gian ngắn chơi thử. Cảm giác thắng cuộc, cảm giác được chinh phục cũng là thứ giúp Pokemon trên các hệ máy cầm tay tồn tại được tới ngày nay.

    Tuy cách chơi của Pokemon hơi khác so với những tựa game gốc trên Gameboy và các hệ máy Nintendo, tuy nhiên nó vẫn giữ lại được những nét đặc trưng nhất: các con thú, động tác ném bóng bắt Pokemon, dùng các "chiêu" khác nhau, hệ thống phân cấp, hệ thống phân hệ thú, phòng gym, trao đổi, mua vật phẩm...

    Thế giới ảo rộng lớn = nguồn tiền khổng lồ

    Số lượng Pokemon khi ra mắt năm 1996 trong hai bản Red và Green chỉ có 151 con thú mà thôi. Sau đó dần dần tăng lên 250 rồi hiện tại đã có hơn 720 con Pokemon được Nintendo phát minh ra. Với số lượng thú nhiều và phong phú như vậy, Pokemon Go có tiềm năm mở rộng gần như là không giới hạn, khi đó mỗi người đều có một con thú của riêng mình và chúng sẽ khác nhau (hiện tại, Pokemon Go chỉ hỗ trợ 151 con thú trong bản gốc mà thôi), tạo thêm sự hứng thú cho trò chơi.

    Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, số liệu từ Similar Web cho thấy Pokemon Go đã được cài trên nhiều điện thoại Android hơn so với ứng dụng hẹn hò Tinder. Bản thân Tinder đã là một quả bom khi nó ra mắt nhưng cũng không thể bằng Pokemon Go. Tính tới thứ 6 tuần trước, game đã có mặt trên 5,16% điện thoại Android trên đất Mỹ, Tinder chỉ là 2%.


    3804690_Pokemon_Go.jpg

    Nói về doanh thu, các nhà phân tích ước tính rằng doanh thu của Pokemon Go trong ngày đầu vào khoảng 3,9 tới 4,9 triệu USD Mỹ. So với một trò chơi điện tử thì đây là con số rất ấn tượng, và nó chỉ mới là con số trong 1 ngày, game cũng chỉ mới được ra mắt ở Úc, New Zealand, Nhật và Mỹ mà thôi. Hãy tưởng tượng khi nó được phát hành trên toàn cầu thì số tiền thu về sẽ như thế nào. Bản thân Pokemon Go cho download miễn phí, nhưng để mua thêm một số vật phẩm thì bạn sẽ phải trả tiền theo dạng in-app purchase. Có thể là để mua nhiều PokeBall hơn, mua nhiều đồ bơm máu hơn để đánh trận được lâu hơn chẳng hạn. Mục đích của in-app purchase ra đời là để "dụ" người ta mua đồ và đem tiền về cho nhà phát triển cơ mà.

    Chúng ta không bàn nhiều về vấn đề lợi nhuận của Nintendo với Pokemon Go, nhưng các nhà phân tích dự báo con số để hãng có lời sẽ rất lớn, cần tới 140 hay 150 triệu USD để có thể gây ảnh hưởng lớn lên lợi nhuận của Nintendo. Như vậy, chuyện có lời to là một chuyện rất khác.

    Kéo mọi chuyện vượt ra khỏi thế giới ảo

    Game là ảo, ai cũng biết điều đó. Nhưng nhờ việc sự dụng khéo léo công nghệ AR, Nintendo đã mang trò Pokemon Go vượt ra khỏi biên giới của một chiếc smartphone. Với vai trò một người huấn luyện, bạn sẽ pải ra đường để có thể tương tác với dấu mốc trên bản đồ. Cũng chính vì điều này mà người ta mới nghe nhiều câu chuyện vui về Pokemon Go trong mấy ngày qua, ví dụ như chuyện cảnh sát Úc phải khuyên người ta đừng vào đồn của họ để bắt Pokemon, người qua đường mãi bắt Pokemon mà không chú ý xe cộ, hai thanh niên đi ngoài đường rượt bắt Pokemon mà không để ý là họ đã đi vào nhà của người khác. Ảnh hưởng của trò chơi này ít nhiều đã vượt ra khỏi màn hình điện thoại. Rồi thì người ta lại nghe nói tới một trò chơi Trung Quốc nhái Pokemon Go đã nhanh chóng đứng top trên các cửa hàng app chỉ vài ngày sau khi Go ra mắt.

    3804694_pokemon-go-nick_statt-2016-2.0.jpg

    Pokemon Go có lẽ sẽ trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình cho việc áp dụng thành công công nghệ AR. Không lý thuyết suông, không đưa ra những tầm nhìn quá vĩ đại, không phức tạp. Bằng một cách đơn giản nhất, Nintendo và Niantic đã đưa AR vào đời sống hằng ngày của chúng ta theo một hướng rất nhẹ nhàng và vui vẻ. Hi vọng chúng ta sẽ sớm được chơi Go ở Việt Nam, và chúc cho Pokemon sẽ còn mãi trong ký ức đẹp của những đứa trẻ 8x, 9x !!!

    nguồn tinhte.vn
     
    Tags:
  2. Comments

Chia sẻ trang này

Đang tải...